Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên hay còn gọi là liệt thần kinh mặt, liệt nửa mặt là tình trạng giảm hoặc mất cảm giác, vận động ở một nửa bên mặt bao gồm cả miệng méo và mắt nhắm không kín.

Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên hay còn gọi là liệt thần kinh mặt, liệt nửa mặt là tình trạng giảm hoặc mất cảm giác, vận động ở một nửa bên mặt bao gồm cả miệng méo và mắt nhắm không kín. Cần phân biệt với liệt thần kinh số 7 trung ương (liệt ¼ dưới mặt) gây méo miệng nhưng mắt vẫn nhắm kín và thường kèm theo có biểu hiện tê, yếu hoặc liệt nửa người, là một bệnh cần cấp cứu ngay càng sớm càng tốt.

Bệnh nhân bị liệt 7 ngoại biên tại Phòng khám YHCT Dr.Thông

Nếu có các dấu hiệu sau bạn có thể bị mắc bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên:

+Đau một nửa đầu vùng gáy, chẩm lan ra thái dương.

+Cảm giác nặng, tê bì một bên mặt.

+Mắt nhắm không kín (dấu hiệu Sharles- Bell), chảy nước mắt cùng bên.

+Bắn nước ra mép khi xúc miệng đánh răng buổi sáng.

+Vãi nước ra một bên mép khi uống nước (phải ngửa cổ khi uống nước).

+Đọng cơm ở một bên má khi ăn cơm.

+Phát hiện ra nhân trung lệch, miệng méo về một bên khi cười, nói hoặc soi gương.

+Không huýt sáo hoặc thổi phồng má được do một bên mép không kép kín.

+Giảm hoặc mất vị giác ở 2/3 trước lưỡi.

Chẩn đoán liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên

Chẩn đoán nói chung là dễ với các trường hợp liệt mặt nặng, thầy thuốc chỉ cần quan sát mặt bệnh nhân là phát hiện ra bệnh. Với các trường hợp liệt mặt nhẹ, cần thiết phải bảo bệnh nhân làm thêm một số động tác vận động các cơ vùng mặt như nhướn lông mày, nhe răng... và so sánh bên bệnh và bên lành sẽ thấy nếp nhăn trán, nhăn mũi má mờ hơn,  nhân trung lệch về bên lành, khi nhắm mắt thật chặt sẽ thấy bên bệnh phần lông mi dài hơn bên lành do mắt nhắm không được chặt bằng bên lành.

Liệt thần kinh số 7 ngoại biên: mất các nếp nhăn quanh mắt khi BN nhắm chặt mắt

Một số trương hợp khó như liệt mặt 2 bên, liệt co cứng cơ nửa mặt thì phải cần đến kinh nghiệm của thầy thuốc chuyên sâu hơn mới xác định chắc chắn được.

Nguyên nhân liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên

Có thể do u ở não, nền sọ, biến chứng thần kinh của u vòm họng, chấn thương, viêm nhiễm...

Qua thực tế điều trị chúng tôi hay gặp 4 nguyên nhân chủ yếu:

+ Do lạnh: bệnh hay xảy ra vào mùa Đông -xuân, hay xuất hiện đột ngột sau khi cơ thể bị nhiễm lạnh (đêm rét mở cử ra ngoài, vừa tắm, gội đầu xong ra ngồi chỗ gió lùa, máy điều hòa để nhiệt độ quá lạnh, quạt gió thốc vào mặt...).

+Do biến chứng của viêm tai cấp tính, mạn tính.

+Do Zona tai: Zona là bệnh cấp tính do virus hướng thần kinh phạm vào hạch gối gây liệt mặt đột ngột. Đặc điểm là phát ban: ban đỏ, mụn nước ở quanh vành tai, vùng viền ống tai ngoài; có thể phạm cả vùng dây 7 nên có thể có ban đỏ, mụn nước mọc ở 2/3 trước lưỡi. 

+Do chấn thương: sang chấn, ngã, đụng dập gãy rạn nứt xương đá.

Điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên

Điều trị nội khoa: điều trị theo nguyên nhân

*Liệt mặt do lạnh

+ Dùng các thuốc giãn mạch: fonzilan, cavinton…
+ Kích thích tăng dẫn truyền: nivalin, methylcoban (có thể dùng điện phân nivalin).
+ Dùng thuốc tái tạo bao myelin: nucléo - CMP forte.
+ Dùng sinh tố nhóm B liều cao.
+ Dùng thuốc chống gốc tự do: vitamin E, eckhart Q10…

+ Kết hợp các phương pháp vật lý trị liệu: cho người bệnh chườm nóng vùng mặt, chiếu tia hồng ngoại và làm sóng ngắn ngay ngày đầu.Có thể cho chạy điện dẫn Iod hoặc Ca. Có thể dùng dòng điện Galvanie. Thường xuyên tập các động tác ở mặt, ở trán, ở môi miệng.

*Liệt mặt do viêm nhiễm: phải phối hợp dùng thêm kháng sinh chống viêm.

*Do Zona thần kinh: kết hợp dùng thuốc kháng Zona: Acyclovir.

Tiến triển của bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên

—   Liệt dây thần kinh số 7 ngoại vi do lạnh: các trường hợp nhẹ có thể hồi phục trong vòng 3 - 6 tuần điều trị hoặc nhanh hơn, các trường hợp nặng đôi khi để lại di chứng. Một số trường hợp chuyển sang co cứng các cơ bên mặt bị liệt làm mặt bệnh nhân bị co kéo lệch về bên liệt, nếp nhăn mũi - má sâu, khiến dễ lầm tưởng bên liệt là bên lành.
—   Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do các nguyên nhân khác: tiên lượng phụ thuộc vào mức độ nặng nề và khả năng thuyên giảm của bệnh chính.